Biến động lãi suất trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam
Theo các chuyên gia, việc cắt giảm lãi suất gần đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) là những động thái quan trọng báo hiệu xu hướng nới lỏng tiền tệ rộng hơn giữa các ngân hàng trung ương lớn. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Ảnh hưởng đến động lực thương mại toàn cầu
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang 27 nước châu Âu đạt 20,29 tỷ USD, tăng 14,1%, tương ứng tăng 2,52 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ châu Âu đạt 6,29 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng dệt may xuất khẩu sang châu Âu đạt 1,78 tỷ USD, giảm 1,6%; nhóm sản phẩm điện tử và linh kiện với 3,44 tỷ USD, tăng mạnh 50,9%; nhóm giày dép các loại đạt 2,59 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước… |
Đầu tháng 6 vừa qua, ECB đã giảm lãi suất tiền gửi từ 4% xuống 3,75% kể từ lần cắt giảm đầu tiên vào năm 2019. Quyết định này được cho là bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm lạm phát, làm giảm từ hơn 10% vào cuối năm 2022 xuống gần mục tiêu 2% của ECB. Tương tự, BoC đã cắt giảm lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản xuống 4,75%, đánh dấu việc kết thúc một loạt đợt tăng lãi suất nhằm chống lạm phát. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) đã tích cực hơn trong các biện pháp nới lỏng, cắt giảm lãi suất chủ chốt để hỗ trợ phục hồi kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và rủi ro giảm phát.
Tuy nhiên, trong cuộc họp mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trong khoảng 5,25-5,5% nhằm duy trì áp lực lên nền kinh tế để hạ nhiệt lạm phát, nhưng hạ triển vọng cắt giảm lãi suất xuống chỉ còn 1 lần trong năm nay. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng duy trì lãi suất cao, hiện ở mức 5,25%, do lo ngại lạm phát đang diễn ra. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thông báo nâng lãi suất ngắn hạn lên mức khoảng 0-0,1% từ mức âm 0,1%.
Theo các chuyên gia, sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương lớn có thể dẫn đến những kết quả kinh tế khác nhau. Chênh lệch lãi suất có thể tác động đến giá trị tiền tệ, ảnh hưởng đến động lực thương mại toàn cầu. Ví dụ, đồng Euro hoặc Đô la Canada (CAD) yếu hơn có thể khiến xuất khẩu từ các khu vực này trở nên cạnh tranh hơn, có khả năng cải thiện cán cân thương mại, nhưng cũng có thể làm tăng chi phí nhập khẩu, góp phần gây áp lực lạm phát.
TS. Chu Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh tại Đại học RMIT nhận xét, Việt Nam là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, rất dễ bị ảnh hưởng từ biến động kinh tế toàn cầu. Việc cắt giảm lãi suất gần đây của các ngân hàng trung ương lớn như ECB và BoC có thể dẫn đến biến động tiền tệ và thay đổi động lực thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, việc cắt giảm lãi suất của ECB và BoC có thể khiến đồng Euro và Đô la Canada mất giá. Điều này làm cho hàng hóa châu Âu và Canada rẻ hơn trên thị trường toàn cầu, có khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam do hàng hoá trở nên đắt hơn tương đối. Tuy nhiên, chi phí vay giảm ở châu Âu và Canada có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế ở các khu vực này, hỗ trợ tăng nhu cầu tiêu dùng, từ đó có thể có lợi cho các ngành như dệt may, điện tử và nông nghiệp – vốn là những ngành đóng góp xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam. Ngoài ra, đồng Euro và Đô la Canada yếu hơn có thể khiến nhập khẩu rẻ hơn từ các khu vực này, giúp giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu
Với thị trường Canada, đây được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và là “cửa ngõ” tiếp cận thị trường Bắc Mỹ. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Canada trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng 28% so với năm trước. Mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Canada vẫn là hàng dệt may, với trị giá 256,06 triệu USD, tăng 10,5%, chiếm 17% tỷ trọng xuất khẩu.
Với kim ngạch và giá trị xuất nhập cao như vậy, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động chuẩn bị đón bắt và ứng phó với những biến động của chính sách tiền tệ các nước. TS. Chu Thanh Tuấn khuyến nghị cần tăng cường chính sách thương mại thông qua việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để có thể giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động tiền tệ và suy thoái kinh tế ở các khu vực nhất định. Cùng với đó phải nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu thông qua việc tập trung đẩy mạnh chất lượng và giá trị gia tăng của hàng Việt Nam xuất khẩu để duy trì khả năng cạnh tranh bất chấp sự thay đổi của tiền tệ.
Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm cơ hội mở rộng thị trường. Chẳng hạn, để tăng khả năng xuất khẩu, thương hiệu khởi nghiệp Nam Tural đã nghiên cứu và sản xuất sản phẩm Eco Firelighters – viên nén làm từ rơm rạ dùng để mồi lửa phục vụ cho các hoạt động nấu ăn khi cắm trại, đốt lò sưởi… Với đặc điểm thân thiện với môi trường, đúng nhu cầu tiêu dùng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Amazon, sản phẩm này đã được xuất khẩu, phân phối tại Canada và Mỹ.
Hay với các doanh nghiệp dệt may, chiến lược đa dạng hoá thị trường đã được đẩy mạnh. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã xuất khẩu vào 104 thị trường toàn cầu. Với kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu giảm như 5 tháng qua, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường các nước khối ASEAN và châu Á nói chung, cũng như đưa sản phẩm sang thị trường châu Phi, Trung Đông…
Ngoài ra, với việc cắt giảm lãi suất của ECB và BoC, vị chuyên gia từ Đại học RMIT cho rằng, Chính phủ cần thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt, xây dựng dự trữ ngoại hối mạnh mẽ để đối phó với các cú sốc bên ngoài và duy trì ổn định kinh tế. Hơn nữa, Chính phủ cần tăng cường khả năng phục hồi kinh tế thông qua thúc đẩy tiêu dùng nội địa nhằm giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.