Hiện đại hóa hải quan: Từ Hải quan điện tử đến Hải quan số

Kết quả tích cực trong thực hiện hải quan điện tử là nền tảng quan trọng để ngành Hải quan tập trung thực hiện các mục tiêu về Hải quan số, Hải quan thông minh.

Hoàn thành 5 E

Chia sẻ tại Diễn đàn Thuế – Hải quan năm 2023 mới đây, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành cho biết: nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ngành Hải quan đã sớm đạt và vượt các mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020.

Những kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua là động lực để xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại, là tiền đề xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh trong thời gian tới”- Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan Lê Đức Thành.

Cụ thể, giai đoạn 2010 – 2020, Hải quan Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thực hiện hải quan điện tử với điểm nhấn là hoàn thành 5E: E-Declaration (thủ tục hải quan điện tử), E-payment (thanh toán thuế điện tử); E-C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng phương thức điện tử); E-Permit (giấy phép điện tử) và E-Manifest (bản lược khai hàng hóa điện tử).

Trong đó, nổi bật là E-Declaration với 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% cục hải quan, chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia.

“Cùng với sự phát triển nhanh của kinh tế đất nước, khối lượng công việc của Tổng cục Hải quan đã tăng lên một cách nhanh chóng. Điển hình là kim ngạch xuất nhập khẩu trung bình mỗi năm tăng 23%, số thuế thu được trung bình mỗi năm tăng 9,2%; số lượng tờ khai trung bình mỗi năm tăng 22%. Hiện nay, mỗi năm ngành Hải quan giải quyết khoảng 15 triệu hồ sơ của người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, 5 năm gần đây số lượng cán bộ, công chức hải quan giảm trung bình từ 1,5-1,7%/năm. Nhưng, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, việc làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi, liên tục, nhanh chóng…”, Cục trưởng Lê Đức Thành nhấn mạnh.

Về điểm nhấn E-payment, từ năm 2012, cơ quan Hải quan đã kết nối với hệ thống công nghệ thông tin của các ngân hàng thương mại và Kho bạc để thực hiện thanh toán điện tử.

Tiếp đó, từ năm 2017, ngành Hải quan triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Theo đó, doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện khi có kết nối internet; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan.

Đến nay có 47 ngân hàng thương mại tham gia chương trình thu nộp thuế 24/7, số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 98,4% tổng số thu của Tổng cục Hải quan…

Ngoài ra, ngành Hải quan đã tập trung triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ của Ngành mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan (như: giám sát quản lý về hải quan; quản lý thu thuế xuất nhập khẩu; quản lý giá tính thuế; quản lý rủi ro; kiểm tra sau thông quan, điều tra, chống buôn lậu và xử lý vi phạm…)

Đặc biệt, ngành Hải quan đã áp dụng các công nghệ số trong kiểm tra, giám sát hàng hóa như sử dụng máy soi container, giám sát trực tuyến, sử dụng seal định vị điện tử trong giám sát tự động đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container…

Tập trung thực hiện chuyển đổi số, Hải quan số

Ông Lê Đức Thành chia sẻ, kết quả đạt được về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện hải quan điện tử là tiền đề quan trọng để ngành Hải quan tập trung thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số, trọng tâm là thực hiện Hải quan số.

“Tổng cục Hải quan đã thành lập bộ máy tổ chức và huy động nguồn lực trong toàn Ngành để triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã thành lập Ban Chỉ đạo đạo chuyển đổi số với Trưởng ban là một Phó Tổng cục trưởng, thành viên là các cục trưởng, vụ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục và các cục hải quan tỉnh, thành phố lớn để thống nhất chỉ đạo, điều hành công tác chỉ đạo chuyển đổi số trong toàn Ngành. Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của ngành Hải quan đã tổ chức 2 phiên họp, trong đó đã chỉ đạo triển khai toàn diện công tác chuyển đổi số trong toàn Ngành. Tại địa phương, 100% cục hải quan tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số”, Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan chia sẻ.

Để thống nhất nhận thức và hành động, Tổng cục Hải quan đã ban hành đầy đủ chương trình, kế hoạch chuyển đổi số trong toàn Ngành. Đó là, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023. Đồng thời, 35 cục hải quan tỉnh, thành phố cũng ban hành kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị.

Trong Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến năm 2025, Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu đến năm 2025: 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (đến năm 2030 phấn đấu chỉ tiêu đạt 100%); 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *