Mục tiêu xây dựng Hải quan thông minh tại các khu vực cảng biển quốc tế
Hải quan Việt Nam xác định xây dựng hệ thống Hải quan thông minh đối với công tác quản lý, giám sát hàng hóa XNK, phương tiện XNC tại các cảng biển quốc tế tại Việt Nam là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu.
Nhận lời mời của lãnh đạo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, ngày 19/12/2023, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ đã có bài phát biểu quan trọng tại lễ khai mạc Hội thảo về “Hải quan thông minh – Tăng cường phát triển khu vực thương mại tự do/khu vực cảng biển tự do”, do Tổng cục Hải quan Trung Quốc chủ trì tổ chức trong khuôn khổ hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, APEC hiện là khu vực đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam với 65,6% tổng số vốn đầu tư. Trong 14 đối tác đầu tư lớn nhất (trên 1 tỷ USD) vào Việt Nam đã có 10 đối tác thuộc APEC với tổng số vốn là 39,5 tỷ USD, chiếm 95,6% tổng số vốn đầu tư trực tiếp của APEC và chiếm 62,7% tổng số vốn đầu tư trực tiếp của tất cả các nền kinh tế vào Việt Nam. Trong đó, cảng biển là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữa các khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh tầm quan trọng và những tiềm năng phát triển nền kinh tế biển, nhất là hoạt động XNK hàng hóa tại các cảng biển lớn.
Để đáp ứng phù hợp với sự phát triển đó, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 với mục tiêu “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh”.
Để thực hiện Chiến lược đó, thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai cải cách hiện đại hóa nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN. Việc xây dựng hệ thống Hải quan thông minh đối với công tác quản lý, giám sát hàng hóa XNK, phương tiện XNC tại các cảng biển quốc tế tại Việt Nam luôn là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, Hải quan Việt Nam đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành Hải quan số, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành Hải quan thông minh.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ cũng nhấn mạnh hội thảo lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, để các cơ quan Hải quan thành viên APEC cùng chia sẻ định hướng và kinh nghiệm của mình trong việc ứng dụng, sử dụng công nghệ mới và áp dụng Hải quan thông minh nhằm tăng cường, tạo thuận lợi thương mại và công tác quản lý hải quan nói chung cũng như phát triển khu vực thương mại tự do/khu vực cảng biển tự do nói riêng.
Trong khuôn khổ hợp tác APEC năm 2023, Hải quan Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực, luôn nỗ lực chủ động đóng góp vì một cộng đồng Hải quan APEC hướng tới mục tiêu “Liên kết”, “Đổi mới” và “Toàn diện”, góp phần thúc đẩy cộng đồng APEC đạt được các mục tiêu tăng trưởng toàn diện về thương mại và đầu tư, đổi mới và số hóa.
Hội thảo về “Hải quan thông minh – Tăng cường phát triển khu vực thương mại tự do/khu vực cảng biển tự do” là một cấu phần thuộc dự án năm 2023 của Hải quan APEC về “Tăng cường dịch vụ và giám sát thông minh của cơ quan Hải quan để thúc đẩy phát triển các khu vực thương mại tự do/khu vực cảng biển tự do” do Hải quan Trung Quốc chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ của Hải quan Việt Nam trong vai trò đồng tài trợ.